Trên cơ sở kết quả Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố năm 2023, đồng thời giúp các địa phương hiểu rõ và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện Bộ chỉ số PII để triển khai trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ngày 05/7, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo (PII) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2024”.
Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Trần Duy Tâm Thanh – PGĐ Sở KH&CN và ông Nguyễn Võ Hưng – Trưởng Ban Chính sách Đổi mới sáng tạo – Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN – Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra còn có sự tham dự của các chuyên gia từ Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo nhằm cung cấp tổng quan về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), Chỉ số Đổi mới sáng tạo địa phương (PII); Khung chỉ số PII; Nguồn dữ liệu và một số vấn đề về thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng PII năm 2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Quy trình xử lý, tính toán, kết quả PII 2023 của tỉnh BR-VT và một số gợi suy nhằm cải thiện PII 2023 của tỉnh BR-VT; Trao đổi thảo luận về vấn đề, giải pháp cải thiện chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PII tại các sở, ngành, cơ quan…
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (viết tắt là PII theo tiếng Anh “Provincial Innovation Index”) nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sau đây gọi tắt là KH,CN&ĐMST) của từng địa phương; qua đó, cung cấp căn cứ và bằng chứng về điểm mạnh, điểm yếu; về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương; giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các cấp lãnh đạo của địa phương có cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp phù hợp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương dựa trên KH,CN&ĐMST.
Bộ chỉ số PII cũng đồng thời góp phần nâng cao năng lực và kết quả hoạt động KH,CN&ĐMST quốc gia, đặc biệt là đóng góp trong theo dõi, đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện: Chiến lược KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững, …
Cấu trúc của Bộ chỉ số PII có 52 chỉ số theo 07 trụ cột (đầu vào, đầu ra), trong đó có 05 trụ cột đầu vào Phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST, bao gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu & Phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; 02 trụ cột đầu ra: Phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.
Theo kết quả của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố ngày 12/3/2024 về kết quả PII năm 2023, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có điểm số đầu vào là 48,25; điểm số đầu ra là 50,11; điểm số PII năm 2023 là 49,18; xếp hạng PII đạt thứ 07/63 tỉnh/thành phố cả nước và xếp thứ 02/06 vùng Đông Nam Bộ; xếp hạng 01/20 nhóm địa phương có thu nhập đầu người ở mức khá. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số PII năm 2023 cho thấy, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt thứ hạng cao trong cả nước, phần nào cho thấy thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST có hiệu quả của tỉnh.
Tuy nhiên, dù có nhiều chỉ số đạt thứ hạng tốt nhưng cũng còn một số chỉ số có khả năng có thể cải thiện. Để đảm bảo mục tiêu về thứ hạng và có thể cải thiện điểm số một số chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PII trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tại hội thảo các chuyên gia đã gợi mở một số giải pháp và cùng trao đổi, giải đáp với các đại biểu tham dự hội thảo về một số nội dung như: cần phân công cán bộ đầu mối từ đầu năm (và duy trì hằng năm) để nắm bắt tốt nhất các công việc và yêu cầu; Cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các sở ban ngành trong cung cấp dữ liệu phục vụ đánh giá; Cần bố trí nguồn lực và kinh phí phù hợp hằng năm cho nhiệm vụ; Tìm hiểu các chỉ số đánh giá, sử dụng kết quả PII hằng năm trong quản lý, điều hành…
Tin, ảnh: VPKN