Mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp, chưa hấp dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Theo ông Phạm Hồng Quất – cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, mức hỗ trợ doanh nghiệp thấp, thủ tục nhận phức tạp là một trong những rào cản cản trở hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển tại Việt Nam.

Ngày 19-4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ hưởng ứng Ngày sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024. Sau lễ hưởng ứng là hội thảo về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Từ năm 2017, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 21-4 hằng năm là Ngày sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới, với mục đích nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để bứt phá

Ông Huỳnh Thành Đạt - bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - phát biểu tại sự kiện - Ảnh: M.H.
Ông Huỳnh Thành Đạt – bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – phát biểu tại sự kiện – Ảnh: M.H.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt – bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết Đảng và Nhà nước xác định vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là động lực chính để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Đạt, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng hoàn thiện. Từ năm 2017 đến nay bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện (tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023).

Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Tháng 3-2024, lần đầu tiên kết quả bộ chỉ số PII được công bố.

Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phải thống nhất các thuật ngữ

Ông Phạm Hồng Quất - cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - trình bày tham luận tại hội thảo - Ảnh: M.H.
Ông Phạm Hồng Quất – cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – trình bày tham luận tại hội thảo – Ảnh: M.H.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất – cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển đồng bộ, bền vững, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ khu vực tư nhân đồng hành cùng khu vực công lập.

Tuy nhiên, theo ông Quất, hiện vẫn đang còn một số rào cản nhất định cản trở hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển tại Việt Nam.

“Các văn bản liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù đã được triển khai từ 3-5 năm nhưng điểm còn thiếu là việc hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp có hiệu quả hay không? Hỗ trợ đủ mức cho những người hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hay chưa?

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có mức hỗ trợ cho doanh nghiệp rất ít; thủ tục, cơ chế phức tạp, vì vậy chưa hấp dẫn lắm với các doanh nghiệp cũng như những người hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Quất đặt câu hỏi.

Ông Quất cho rằng để giải quyết vấn đề trên cần phải làm rõ các khái niệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; phân biệt khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo với các chủ thể khác; thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo… để các cơ chế, chính sách dễ đi vào cuộc sống, dễ thực thi.

“Hiện có trên 30 tên gọi khác nhau và được sử dụng không thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính dẫn tới gây nhầm lẫn, khó khăn trong quản lý và trong thực thi các cơ chế, chính sách”, ông Quất thông tin.

Theo ông Quất, các cơ chế hỗ trợ đủ nguồn, đủ mức cho các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hoạt động đang rất thiếu, kể cả khai thác hạ tầng, nguồn lực sẵn có của địa phương.

“Rất nhiều cơ sở hạ tầng của chúng ta để không nhưng khi dành cho khởi nghiệp thì lại vướng nhiều luật, kể cả Luật Quản lý tài sản công”, ông Quất nói.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ